CAN DƯƠNG THƯỢNG CANG

Chẩn đoán phân biệt chứng Hậu trong đông Y

Viện nghiên cứu trung Y chủ biên

1.KHÁI NIỆM

Chứng Can dương thượng cang  là chỉ một loạt biểu hiện lâm sàng do âm không phối dương của tạng Can dẫn đến Can dương không tiềm tàng hoặc Can khí thăng phát thái quá, dương khí nổi nổi lên quấy động ở trên gây nên bệnh. Chứng này phần nhiều do phòng thất nhọc mệt, thất tình nội thương và ăn uống không điều hòa là những nguyên nhân cộng đồng tác dụng gây nên.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là choáng váng, đầu trướng đau, hoa mắt, sợ ánh sáng hoặc mắt nhìn không rõ, lờm lợm buồn nôn, ưa yên tĩnh, hoặc có kiêm chứng mặt đỏ, tai ù, miệng lưỡi khô táo, rìa lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng hoặc trắng mỏng, mạch Huyền Tế hoặc Huyền Tế Sác.

Chứng Can dương thượng cang thường gặp trong các bệnh Đầu thống, Huyễn vậng, tai ù tai điếc…

Chẩn đoán phân biệt với chứng Can phong nội động, chứng Can hỏa thượng viêm, chứng Can huyết hư, chứng Can âm hư, chứng Can Thận âm hư.

2.PHÂN TÍCH

-Trong bệnh Đầu thống, dương cang phần nhiều do Can nhiệt cho nên có từng cơn đau nhấm nhói, gặp khi cáu giận đột ngột thì bệnh tăng, kèm theo chứng trạng ngủ không yên, phiền táo dễ cáu giận, sườn trướng đau, mắt đỏ, miệng đắng, mạch Huyền hoặc Huyền Sác. Điều trị nên bình Can tiềm dương, thường dùng bài Thiên ma câu đằng ẩm (Tạp bệnh chứng trị tân nghĩa), bỏ Thiên ma, Chi tử, Ích mẫu, gia Cúc hoa, Hạ khô thảo, Khổ đinh trà, Chân châu trà…

-Trong bệnh Huyễn vậng, phần nhiều do huyết hư nội nhiệt dẫn động Can dương gây nên, cho nên đầu choáng váng và đau nhẹ, mắt hoa sợ ánh sáng, ưa yên tĩnh, lờm lợm buồn nôn, mạch Tế. Điều trị nên dục âm tiềm dương, cho uống bài Kỷ cúc địa hoàng hoàn (Y cấp) hợp với Thiên ma câu đằng ẩm (Tạp bệnh chứng trị tân nghĩa) gia các vị thuốc có tác dụng tiềm dương.

-Trong bệnh Tai ù tai điếc xuất hiện chứng Can dương thượng cang thì xảy ra hai tình huống:

  1. Vì Thủy suy không hàm mộc, ngoài những chứng trạng dương cang phải có kiêm hiện tượng Thận âm hư như mỏi lưng, kém ngủ, hay quên, dễ phiền dễ mệt, dễ bị tình tự kích thích mà bốc nóng, vã mồ hôi, hơn nữa còn có bệnh sử phòng thất không điều độ hoặc thủ dâm di tinh. Điều trị nên tư thủy hàm mộc, dùng bài Tả quy ẩm (Cảnh nhạc toàn thư) hoặc Tri bá địa hoàng hoàn (Y phương khảo) hợi với Thiên ma câu đằng ẩm (Tạp bệnh chứng trị tân nghĩa) gia Từ châu hoàng (Bị cấp thiên kim yếu phương).
  2. Vì Can dương thượng cang kiêm cả Can Đởm thấp nhiệt, có các chứng mắt đỏ, miệng đắng, đại tiện bí kết, tiểu vàng, âm nang ẩm ngứa, mạch Huyền Sác. Điều trị nên bình Can tiềm dươngkèm thuốc thanh hỏa lợi thấp như dùng bài Long đởm tả can thang (Y tông kim giám).

Biểu hiện của chứng này kể cả kiêm tạp chứng thường do mỗi con người mà có chỗ khác nhau. Ở tuổi thanh niên khỏe mạnh do Thận tinh hư suy mà mắc chứng này, thường có các chứng trạng tai ù, mỏi lưng, đùi yếu, gót chân đau, thậm chí thấy gái là chảy tinh dịch, rất dễ cường dương và cũng dễ tiết tinh, có thể dùng phép Bình Can tiềm dương phối hợp với phép Tư thận kiên âm cùng áp dụng hỗ trợ nhau, ví dụ như khi uống Thiên ma câu đằng ẩm, nên loại bỏ những vị quá đắng lạnh như Hoàng cầm, Chi tử, linh hoạt gia các vị Quy bản, Thục địa, Tri mẫu, Hoàng bá.

Người nghiện rượu, thuốc lá hay ăn các đồ ngọt béo khi mắc chứng Can dương thượng cang, vì dễ nung nấu nhiệt hóa hỏa cho nên thường có kiêm chứng hậu Can Đởm thấp nhiệt như trướng đau bên sườn phải, đắng miệng, đầy bụng hay nôn, tiểu vàng sẫm, âm nang ẩm ngứa, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Huyền Hoạt Sác, điều trị vẫn nên bình Can tiềm dương làm chủ yếu kèm theo những vị thuốc có tác dụng thanh tiết Can Đởm thấp nhiệt như Uất kim, Xuyên luyện tử, Long đởm thảo, Hoạt thạch, Sơn tra, Chỉ thực, Xích phục linh, Mộc thông, có thể tùy chứng chọn vài ba vị.

-Lại như phụ nữ ở thời kỳ trước hoặc sau khi mãn kinh, Thận khí suy dần, Xung Nhâm mạch Hư, huyết hải khô dần, Can dương dễ cang, nếu biểu hiện chóng mặt, ù tai, phiền táo không yên, mặt bốc hỏa, miệng khô ráo là những chứng trạng thường gặp ở Can dương thượng cang, còn có những chứng trạng của Xung Nhâm như kinh nguyệt rối loạn hoặc lượng kinh ra ít và rít, thậm chí bế kinh, hơn nữa bệnh thường phát sinh ở sau lứa tuổi trung niên. Có khi ở lứa tuổi thanh niên mắc chứng này, cần hỏi kỹ bệnh sử về thủ thuật ngoại khoa làm tổn thương Xung Nhâm như cắt buồng trứng, tử cung…

Tình trạng chứng này với loại Thủy không hàm mộc dẫn đến chứng Can dương thượng cang tuy đều do Thận và Can nhưng có điểm độc đáo là phải nhằm vào Thận khí đã hư suy, mạch Xung Nhâm suy tổn không nuôi dưỡng được Can mà dẫn đến bệnh cơ Can Thận âm dương mất điều hòa, lựa chọn phép chữa tương ứng, vừa phải dục âm tiềm dương lại vừa phải kiêm bổ Xung Nhâm. Có thể một mặt dùng Hoàng bá, Tri mẫu, Quy bản, Đương quy để củng cố phần âm, một mặt dùng Lộc giác, Thổ ty tử, Tiên mao, Tiên linh tỳ, Ba kích, Thung dung để bổ phần Dương, so với loại dục âm đơn thuần hiệu quả rõ ràng hơn.

Cũng vậy nam giới ở trước và sau lứa tuổi 8×8 xuất hiện chứng Can dương thượng cang, nếu cùng lúc có liên quan tới Thận khí suy và thiên quý hết, thường có kiêm chứng hậu phức tạp Can Thận âm dương đều hư, ngoài phép chữa chủ yếu, còn phải tư bổ cả Âm dương thì sát với bệnh tình thực tế so với các phép chữa đơn thuần bình Can tiềm dương hoặc dục âm tiềm dương.
3.CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT

3.1.CHỨNG CAN PHONG NỘI ĐỘNG VÀ CHỨNG CAN DƯƠNG THƯỢNG CANG

Chứng Can phong nội động bao quát cả ba loại hình Can dương hóa phong, Can hỏa sinh phong và Huyết hư động phong, nói chung rất dễ lẫn lộn với chứng Can dương thượng can là loại Can dương hóa phong. Hai loại này đều có bệnh cơ âm hư dương cang, đều có thể xuất hiện các chứng hậu dương khí nổi lên quấy động ở trên như đau đầu, choáng đầu, mặt đỏ, hoa mắt, ù tai, miêng lưỡi khô… rất dễ chẩn đoán nhầm.

Lại từ mối quan hệ lẫn nhau như trên để xem xét chứng Can dương thượng can nếu dùng nhầm các thuốc ôn bổ, thăng đề, trợ hỏa và cướp đoạt tân dịch hoặc vì nguyên nhân nào khác, đều có thể thúc đẩy cái thượng cang của Can dương thành Can phong. Trái lại, chứng Can dương hóa phong kinh qua điều trị thích đáng, khi Can phong đã dẹp tắt, Can dương chưa kín đáo, lại có thể nghịch đảo biến hóa, trở thành chứng Can dương thượng cang. Vì mối quan hệ mật thiết của hai chứng, người xưa thường không phân tích tỉ mỉ mà gọi chung là Can phong. Điểm phân biệt chủ yếu là:

  1. Chứng Can dương hóa phong do dương cang quá nghịch, từ lượng biến thành chất, dương cực hóa phong sẽ tập trung xuất hiện tượng trưng một nhóm chứng hậu Can phong như mắt giật và hoa không ổn định, nhìn mọi vật quay cuồng, chân tay tê dại và gân máy động, hồi hộp không ngủ, nôn mửa kém ăn, hễ động làm là vã mồ hôi, đứng lên loạng choạng muốn ngã, đó là những chứng hậu do Can dương thượng cang. Khi Can dương thượng cang còn chưa hóa phong thì không thể xuất hiện tập trung các chứng trạng đó được.
  2. Chứng Can dương hóa phong nếu xuất hiện miệng mắt méo lệch, hôn mê, ngã lăn không nói được, đây là chứng hậu Can phong nhiễm lên đỉnh đầu rất nguy hiểm. Nếu xuất hiện các chứng bán thân bất toại, chân tay co quắp, đó là do Can phong chạy ra tứ chi, là những chứng hỗ trợ cho chẩn đoán phân biệt.
  3. Can dương thượng cang một khi đã hóa phong, mạch thường từ Huyền Tế hoặc Huyền Sác chuyển sang Huyền Trường có lực hoặc Huyền Kính.

3.2.CHỨNG CAN HỎA THƯỢNG VIÊM VÀ CHỨNG CAN DƯƠNG THƯỢNG CANG

Nếu phân biệt theo cơ chế bệnh thì hai chứng khác nhau về hư, thực, không thể lẫn lộn được. Vì chứng Can hỏa thượng viêm là khí uất hóa hỏa, hoặc uất giận động hỏa, hoặc tích nhiệt hóa hỏa. Hoặc vì phong khí thông với Can, phong tác hại hỏa hun đốt, hỏa với nhiệt xung kích lên trên thành chứng Thực Nhiệt. Chứng Can dương thượng cang thì Can âm bất túc, hoặc Can thận âm hư không thể chế Dương, đến nỗi dương căng quấy rối lên trên, thành chứng Bản hư Tiêu thực.

Nhưng trong chỗ khác nhau giữa hai chứng lại có chỗ giống nhau và đều có đặc điểm là xu thế của bệnh hướng lên trên, biểu hiện lâm sàng đều có thể xuất hiện đau đầu vùng Thái dương, đầu trướng, mặt đỏ, tai ù, phiền táo, dễ cáu giận, miệng lưỡi khô táo, rìa lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch Huyền… trên lâm sàng rất dễ chẩn đoán nhầm lẫn, nên phân tích cho kỹ.

3.3.CHỨNG CAN HUYẾT HƯ VÀ CHỨNG CAN DƯƠNG THƯỢNG CANG

Chứng Can huyết hư do sinh huyết bất túc hoặc mất huyết quá nhiều gây nên, thường xuất hiện chứng hậu lâm sàng gần giống với chứng Can dương thượng cang như chóng mặt, ù tai, mắt khô, nhìn mọi vật lờ mờ, móng tay chân không tươi, đêm ngủ hay mê, phụ nữ thì lượng kinh ít hoặc bế kinh. Đây là do một bộ phận trong chứng Can dương thượng cang trên cơ sở Can huyết hư phát triển mà thành, cho nên có biểu hiện lâm sàng Can huyết hư. Nhưng chứng Can dương thượng Can, đặc điểm chủ yếu cuối cùng là dương can, phương diện biểu hiện cộng đồng của hai chứng cũng có đặc điểm cụ thể. Yếu điểm để chẩn đoán phân biệt là:

  1. Chứng Can huyết hư, vì huyết không làm tươi đẹp lên trên cho nên sắc mặt không tươi, kèm móng tay chân không nhuận. Chứng Can dương thượng cang thì do dương cang lên trên mà khiến cho sắc mặt vốn đã không tươi biến thành sắc đỏ nhợt.
  2. Chứng Can huyết hư có chứng trạng tai ù, chóng mặt. Ở chứng Can dương thượng cang thì tai ù mà âm thanh nặng hơn, chóng mặt lại thường đi kèm với mắt khó mở, đầu hơi đau và trướng.
  3. Chứng Can huyết hư lưỡi nhợt không tươi, mạch Tế hoặc Trầm Tế. Chứng Can dương thượng cang, rìa lưỡi từ nhạt chuyển sang hồng, có thể kèm theo rêu vàng, miệng lưỡi khô táo, mạch Huyền Tế hoặc kiềm Sác.

3.4.CHỨNG CAN ÂM HƯ VÀ CHỨNG CAN DƯƠNG THƯỢNG CANG

Chứng Can âm hư so với với chứng Can huyết hư càng dễ phát triển thành chứng Can dương thượng cang. Biểu hiện lâm sàng cũng có khá nhiều chỗ giống nhau. Bởi vì chứng Can âm hư ngoài những chứng trạng chung rất dễ lẫn lộn với chứng Can dương thượng cang do Can huyết hư, lại còn thêm mạch và chứng của hư nhiệt do âm hư sinh nội nhiệt như gò má đỏ, đạo hãn, hư phiền mất ngủ, lưỡi đỏ, mạch Sác, vì thế càng dễ lẫn lộn với chứng Can dương thượng cang.

Điểm phân biệt chủ yếu là nội nhiệt của Can âm hư, phần nhiều biểu hiện ở trạng thái yên tĩnh. Còn Can dương thượng cang thì biểu hiện trạng thái bốc lên bồng bột. Tĩnh là âm cho nên nhiệt phần nhiều vào ban đêm, ra mồ hôi nhiều sau khi ngủ, ưa yên tĩnh, không có xu thế cang dương bồng bột. Động là dương cho nên phiền nhiệt do Can dương thượng cang phần nhiều vào ban ngày, có từng cơ nóng bừng và tự ra mồ hôi, thường gặp chứng trạng đặc điểm cang bốc lên làm cho hoa mắt và hơi đỏ, đầu choáng vừa trướng vừa đau, lờm lợm buồn nôn, tâm phiền dễ cáu giận.

Về phương diện mạch, chứng Can âm hư mạch Huyền Tế Sác. Chứng Can dương thượng cang mạch huyền Kính vượt bộ Quan đến bộ Thốn, vả lại vì lý do dương cang, mạch Tế có thể tạm thời không xuất hiện. Đó là những căn cứ để chẩn đoán phân biệt không khó khăn gì.

3.5.CHỨNG CAN THẬN ÂM HƯ VÀ CHỨNG CAN DƯƠNG THƯỢNG CANG

Mối quan hệ của hai chứng này càng gần gũi hơn chứng Can âm hư. Bởi vì chứng Can dương thượng cang từ chứng Can thận âm hư chuyển hóa mà thành là hiện tượng thường hay gặp. Điểm phân biệt chủ yếu vẫn là chỗ Can âm hư nhiệt ở trạng thái yên tĩnh, Can dương thượng cang ở trạng thái quấy động.

Ngoài ra cũng nên bổ xung: Chứng Can Thận âm hư ngoài những chứng trạng Can âm hư còn có chứng trạng Thận âm hư như lưng gối yếu mỏi, ngũ tâm phiền nhiệt, não có tiếng kêu, hay quên, long hỏa hun đốt ở trong dễ cường dương, dễ tiết tinh, di tinh, đới hạ… đều là những căn cứ để chẩn đoán phân biệt trong lâm sàng.

4.TRÍCH DẪN Y VĂN

Tuổi cao thủy khuy, Can dương thăng lên không kiềm chế được, hai bên sườn cảm giác nóng âm ỉ, hỏa bốc lên mặt đỏ, gặp mệt nhọc thì bệnh tăng. Điều trị nên theo phép dưỡng âm hòa dương (Trúng phong môn – Lâm chứng chỉ nam y án).

Khi ngủ thì dương khí ẩn náu vào trong. Dương quyết ở bên ngoài thì chân tay cứng như gỗ, Dương tụ ở bên trong thì sợ sệt di tinh, tiết tinh. Bệnh thuộc âm dương cùng bị bệnh mà Can bệnh chiếm phần nhiều. Nên dưỡng âm tiềm dương, trấn Can an Vị… Khám lần thứ hai: Can âm bất túc thì Can dương nổi lên quấy rối, đêm ngủ không yên, thực là Dương mất sự tư dưỡng của Âm nên không yên được chứ không phải là Dương khí hữu dư, Thuốc tả Can cũng không nên dùng. Mạch tượng Huyền Tế mà Sác không phản ứng lên ngón tay, tức là Can dương cũng có hiện tượng mệt nhọc, mồ hôi trộm và co cứng, hay mê, di tinh, tiết tinh, âm yếu mà dương không giữ ở trong, nên dùng phép dưỡng âm điều nhiếp, điều lý từ từ (Can hỏa môn – Liễu bảo trị y án)

……………………
🩺Bạn muốn học y học cổ truyền???
💉Bạn không có nhiều thời gian???
💊Liên hệ ngay – Để có giải pháp phù hợp!!!
…………………..
PHÒNG TUYỂN SINH TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y DƯỢC TUỆ TĨNH HÀ NỘI
📒 Địa chỉ: Số 278 Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội
📞 Điện thoại: 0869 266 199 – 0988 440 113

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *