Chứng HÁO SUYỄN

I. KHÁI NIỆM

Sách Y Học Nhập Môn viết: “Thở gấp là suyễn, trong họng có tiếng kêu là háo”. Sách Y Học Chính Truyền viết: “Suyễn thì thở không to, háo thì thở có tiếng”.Háo: chỉ tiếng khò khè, cò cử khi thở. Suyễn: thở gấp rút, khó thở. Háo suyễn là chứng trạng hô hấp bất thường biểu hiện là khó thở thường là khó thở nhanh nông, cả thì hít vào lẫn thở ra hoặc chủ yếu ở thì hít vào hoặc chủ yếu ở thì thở ra, kèm theo tiếng khò khè, cò cử.

Chứng háo suyễn thường gặp trong các bệnh hen phế quản, viêm phế quản dạng hen, COPD (phế khí thủng), tâm phế mạn (hen tim)…

II. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH

NGUYÊN NHÂN

  1. Ngoại nhân: Ngoại tà phong, hàn, nhiệt xâm nhập gây bệnh.
  2. Nội nhân: Thất tình nội thương ảnh hưởng đến công năng Tỳ, Phế, Thận hoặc bệnh lâu ngày làm tổn thương Tỳ, Phế, Thận. Phế bất tuyên giáng, Tỳ mất kiện vận, Thận không nạp khí, Phế khí nghịch lên cộng với đàm thấp nội sinh tụ Phế dẫn đến háo suyễn.
  3. Bất nội ngoại nhân:Do lao nhọc thái quá hoặc ăn uống không điều độ hoặc bừa bãi (ăn uống đồ sống lạnh, ăn nhiều chất chua, mặn, ngọt) làm tổn thương Tỳ Vị hoặc ảnh hưởng đến công năng vận hoá của Tỳ Vị, Tỳ Vị vận hóa kém, thủy cốc dễ sinh thấp đàm mà ứ đọng tại Phế gây tắc Phế lạc, Phế khí bị trở ngại gây nên háo suyễn. Thường gặp ở những bệnh nhân Tỳ hư, thấp thịnh thường là người béo mập.

Tóm lại, chứng háo suyễn thường do bên trong có đàm ẩm (đàm trọc nội yếm), rồi do nhân tố ngoại cảm (phục thụ ngoại cảm phong hàn, phong nhiệt) hoặc nội thương hoặc do ăn uống thất điều, lao nhọc thái quá kết hợp với nhau làm tụ tắc khí đạo, Phế mất tuyên giáng mà dẫn đến khí cấp suyễn súc mà gây bệnh.

CƠ CHẾ BỆNH SINH

Sự giải thích cơ chế sinh bệnh háo suyễn theo YHCT dựa trên học thuyết Ngũ hành và Tạng phủ, trong đó, nổi bật nhất là Phế, Tỳ và Thận (Can và Tâm chỉ quan hệ một phần nhỏ).

  • Tạng Phế: Phế chủ tuyên phát, túc giáng, chủ khí, chủ hô hấp. Khó thở là do chức năng chủ khí, tuyên giáng của Phế bị rối loạn, Phế khí hư mất chức năng tuyên giáng làm khí không giáng xuống được mà lại đi nghịch lên gây ra khó thở.
  • Tạng Thận: Thận chủ nạp khí. Thận bất nạp khí, khí không giáng xuống mà đi nghịch lên gây ra khó thở.
  • Tạng Tỳ: Tỳ thổ là mẹ của Phế kim, Tỳ hư không sinh được Phế làm cho Phế bị hư yếu gây nên khó thở. Mặt khác Tỳ chủ vận hóa thủy cốc. Tỳ hư, chức năng vận hóa kém không biến thủy cốc thành tinh chất để nuôi cơ thể mà lại sinh ra đờm thấp, đờm bị tích lại ở Phế làm cho Phế lạc không thông, Phế khí bị uất gây ra khó thở (Đó là ý nghĩa mà sách Nội Kinh nhắc đến: Tỳ là nơi sinh đờm, Phế là nơi trữ đờm).
  • Thận hư không khí hóa nước thì thủy thấp dâng lên cũng sinh ra đờm làm tắc Phế lạc gây ra khó thở.
  • Thận dương hư không ôn Tỳ dương, chức năng vận hóa thủy cốc của Tỳ suy giảm, và thận không khí hóa nước, phế khí không túc giáng được thông điều thủy đạo sinh nhiều đàm gây khó thở, ngực đầy tức.

Ngoài ra, theo quy luật tương khắc của ngũ hành:

  • Kim vốn khắc Mộc nhưng nếu Phế kim hư thì mộc có thể phản khắc làm cho Phế hư thêm (vì vậy đa số người bệnh lên cơn khó thở vào khoảng nửa đêm, giờ của mộc khí vượng (Tý-Đởm 23-1g, Sửu-Can 1-3g).
  • Tâm hỏa vốn khắc Phế kim, Tâm chủ thần minh, vì vậy, sự rối loạn về tinh thần cũng ảnh hưởng đến Phế.

III. PHÂN LOẠI CÁC THỂ LÂM SÀNG THEO YHCT

1)     Thực suyễn: Bao gồm thể Hàn háo (lãnh háo), Nhiệt háo và thể Đờm trọc.

2)     Hư suyễn: Bao gồm thể Phế âm hư, Phế khí hư, Tỳ khí hư và Thận hư

  1. THỰC SUYỄN

1.1. THỂ HÀN HÁO (LÃNH HÁO)

Chứng trạng

  • Khó thở, thở gấp rút, thở khò khè.
  • Ho đờm trắng, loãng, có bọt dễ khạc. Nặng tức ngực.
  • Người lạnh, sắc mặt trắng xanh, không khát, thích ấm.
  • Đại tiện nhão, nát, tiểu tiện trong dài.
  • Chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng. Mạch Khẩn Hoạt.
  • Nếu thấy có sợ lạnh, sợ gió, phát sốt, không mồ hôi, nhức đầu, đau mình, mạch Phù Khẩn là kiêm phong hàn biểu chứng.

Phép trị: Ôn phế tán hàn, trừ đàm định suyễn.

Phương dược:

1)     Tô Tử Giáng Khí Thang (Hoà Tễ Cục Phương)

2)     Xạ can ma hoàng thang (Kim quỹ yếu lược) gia giảm

1.2. THỂ NHIỆT HÁO

Chứng trạng

  • Khó thở, thở gấp rút, thở khò khè.
  • Ho đờm vàng, đặc dính, khó khạc. Nặng tức ngực.
  • Người nóng, sợ nóng, sắc mặt đỏ, miệng khô, khát nước, thích mát.
  • Đại tiện táo, tiểu tiện ngắn, nước tiểu vàng sẫm.
  • Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng. Mạch Hoạt Sác.
  • Nếu thấy có phát sốt, ra mồ hôi, nhức đầu, đau mình, mạch Phù Sác là kiêm phong nhiệt biểu chứng.

Phép trị: Thanh nhiệt tuyên Phế, hóa đàm định suyễn.

Phương dược: Định Suyễn Thang (Nhiếp Sinh Chúng Diệu Phương)

1.3. THỂ ĐỜM TRỌC NGĂN PHẾ

Chứng trạng:

  • Thở gấp rút, thở khò khè.
  • Ho đờm nhiều, nặng tức ngực.
  • Buồn nôn, ăn kém, miệng nhạt,
  • Chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng nhớt, bẩn, dày.
  • Mạch Hoạt.

Phép trị: Trừ đàm, giáng khí, định suyễn.

Phương dược: Nhị Trần Thang hợp Tam Tử Thang gia giảm (NKHT.Hải)

  1. THỂ HƯ SUYỄN

            Bao gồm thể Phế hư (Phế khí hư, Phế âm hư), Tỳ khí hư và Thận hư (Thận âm hư, Thận dương hư). Ngoài ra còn có thể kết hợp Phế Tỳ khí hư, Phế Thận âm hư…

 2.1. THỂ PHẾ KHÍ HƯ

Chứng trạng:

  • Bệnh lâu ngày, thở gấp, thở khò khè.
  • Ho khạc đờm trắng loãng.
  • Người mệt mỏi, thiểu khí, đoản hơi, tiếng nói nhỏ yếu, biếng nói.
  • Sắc mặt trắng, sợ gió, tự hãn, dễ cảm mạo.
  • Chất lưỡi nhạt, rêu trắng mỏng.
  • Mạch Hư Tế hoặc Hư Nhược.

Phép trị: Bổ phế cố biểu, ích khí, định suyễn.

Phương dược:

1)     Ngọc bình phong tán gia giảm Hoàng kỳ, Bạch truật, Phòng phong, Tô tử

2)     Quế chi gia hoàng kỳ thang (còn gọi là Hoàng kỳ Quế chi thang)

 2.2. THỂ PHẾ ÂM HƯ

Chứng trạng:

  • Bệnh lâu ngày, thở gấp, thở khò khè, thiểu khí, đoản hơi
  • Ho ít đờm, đờm vàng, hoặc ho khan không đờm.
  • Người gầy, nóng, sắc mặt hồng, lòng bàn tay chân nóng, hâm hấp sốt về chiều, hai gò má đỏ, đạo hãn, miệng khô, họng khát, thích uống.
  • Đại tiện táo, tiểu tiện ngắn, nước tiểu vàng sẫm.
  • Chất lưỡi đỏ, ít rêu hoặc không rêu.
  • Mạch Tế Sác.

Phép trị: Tư âm bổ phế, định suyễn.

Phương dược: Sinh Mạch Tán (Nội ngoại thương biện hoặc luận) gia vị

 2.3. THỂ THẬN KHÍ HƯ (THẬN BẤT NẠP KHÍ)

Chứng trạng:

  • Bệnh lâu ngày, thở gấp, thở khò khè, đoản hơi, thiểu khí, khó thở tăng khi vận động, khi gắng sức, nghỉ ngơi thì đỡ.
  • Ho khạc đờm trắng, có bọt.
  • Người lạnh, sợ lạnh, tay chân lạnh, mệt mỏi, tự hãn.
  • Đau lưng, mỏi gối, ù tai, hoa mắt, chóng mặt, di tinh, di niệu…
  • Lưỡi nhạt, mạch Trầm Tế.

Phép trị: Bổ thận nạp khí

Phương dược: Thận khí hoàn (Kim quỹ yếu lược)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hoàng Bảo Châu. Nội khoa y học cổ truyền, Suyễn chứng, trang 113-120. Nhà xuất bản Y học Hà Nội, 1997.
  2. Khoa Y học cổ truyền, Bộ môn bệnh học, Trường ĐH Y Dược Hồ Chí Minh. Nội khoa y học cổ truyền; Háo suyễn, trang 449-457. Nhà xuất bản Y học, 2001.
  3. Nguyễn Thiên Quyến, Đào Trọng Cường. Viện ngiên cứu Trung y, Chẩn đoán phân biệt chứng trạng trong Đông y, Suyễn chứng, trang 920-935. NXB Mũi Cà Mau, 1996.
  4. Nguyễn Thiên Quyến, Đào Trọng Cường. Viện ngiên cứu Trung y, Chẩn đoán phân biệt chứng hậu trong Đông y, Phế khí hư, trang 382-388; Phế âm hư, trang 389-393; Thận bất nạp khí, trang 470-472. NXB Mũi Cà Mau,
……………………
🩺Bạn muốn học y học cổ truyền???
💉Bạn không có nhiều thời gian???
💊Liên hệ ngay – Để có giải pháp phù hợp!!!
…………………..
PHÒNG TUYỂN SINH TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y DƯỢC TUỆ TĨNH HÀ NỘI
📒 Địa chỉ: Số 278 Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội
📞 Điện thoại: 0869 266 199 – 0988 440 113

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *