I. KHÁI NIỆM
Thất miên là mất ngủ. Mất ngủ là trạng thái rối loạn giấc ngủ biểu hiện ban đêm khó ngủ, hoặc không ngủ được.
Mất ngủ đầu giấc là khó vào giấc ngủ, nằm trằn trọc lâu rồi mới ngủ, thừa nữa đêm về sáng mới ngủ được. Mất ngủ vào giữa giấc ngủ là ngủ mà dễ giật mình, thức giấc và không ngủ lại được, giấc ngủ nông, không sâu. Mất ngủ vào cuối giấc ngủ là người bệnh dậy quá sớm và không ngủ lại được. Nặng nhất là mất ngủ trắng đêm, nằm trằn trọc không ngủ được.
Chứng mất ngủ thường có kèm có các chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, hay quên, hồi hộp, căng thẳng, dễ cáu gắt…
Gặp thời tiết nóng lạnh bất thường, ăn uống các chất gây hưng phấn như chè đặc, cà phê… hoặc gặp chuyện kích thích tinh thần dẫn đến ngẫu nhiên mất ngủ thì không thuộc trạng thái bệnh lý. Nếu do đau nhức, suyễn khái, ngứa ngáy dẫn đến không ngủ được cũng không thuộc phạm vi thảo luận ở bệnh này.
Về mặt Tây y, chứng Thất miên-Bất mị thường gặp trong bệnh thiểu năng tuần hoàn não, tăng huyết áp, suy nhược thần kinh…
II. NGUYÊN NHÂN
Ở đây chỉ bàn đến hai nguyên nhân là Tâm Tỳ đều hư và âm hư hỏa vượng (Tâm âm hư, Tâm Thận bất giao)
1.Tâm Tỳ đều hư
Do lo lắng, suy nghĩ, mệt nhọc quá độ làm tổn thương Tâm Tỳ dẫn đến khí huyết hư suy, huyết không dưỡng được Tâm, thần không nơi trú ngụ gây nên mất ngủ, hồi hộp không yên. Tỳ hư không sinh được huyết, huyết càng hư thêm và khó hồi phục làm cho Tâm tiếp tục không an mà làm mất ngủ kéo dài.
Sách Loại Chứng Trị Tài viết: “Tư lự hại Tỳ, Tỳ huyết khuy tổn quanh năm không ngủ được”. Trương Cảnh Nhạc cho rằng: “Ngủ là gốc ở phần âm do thần làm chủ, thần không yên thì không ngủ được. Do đó mệt nhọc, suy nghĩ quá độ làm cho Tâm huyết hao tổn, thần không chế được Tâm nên không yên nghỉ được”.
- Âm hư hỏa vượng
Do cơ thể suy yếu hoặc bị bệnh lâu ngày, hoặc phòng thất quá độ làm Thận âm bị hao tổn, âm hư hỏa động, Thận thủy suy ở dưới không thể giúp cho Tâm hỏa ở trên, Tâm hỏa găng ở trên không thể giao với Thận ở dưới.
Hoặc do mệt nhọc, tư lự quá độ, ngũ chí uất kết hóa hỏa, hỏa nhiệt thương âm hoặc nhiệt bên thương âm làm Tâm huyết hư, Tâm âm bị hao tổn, âm không liễm dương, Tâm dương quá thịnh khiến Tâm hỏa không thể giao với Thận ở dưới.
Tâm hỏa không giáng xuống, Thận thủy không thăng lên tạo thành tình thế thủy hỏa của Tâm Thận không giúp đỡ cho nhau, lâm sàng gọi là chứng Tâm Thận bất giao. Thận thủy suy thì chí không yên, Tâm hỏa thịnh thì thần cũng không yên dẫn đến mất ngủ.
Như sách Cổ Kim Y Thống viết: “Có khi do Thận thủy bất túc, chân âm không thăng mà Tâm hỏa mạnh một phía, không ngủ được”.
III.THỂ LÂM SÀNG
1.TÂM TỲ ĐỀU HƯ
Chứng trạng:
- Mất ngủ, không ngủ, hay mê, hồi hộp, lo lắng, hay quên.
- Mệt mỏi, ăn kém, đại tiện lỏng nhão, thiểu khí, đoản hơi, tay chân vô lực.
- Sắc mặt nhạt, sắc môi nhạt.
- Lưỡi nhạt, rêu lưỡi mỏng.
- Mạch Tế Nhược.
Phép trị: Kiện Tỳ ích khí, dưỡng Tâm an thần
Phương dược: Quy tỳ thang (Tế sinh phương)
2.ÂM HƯ HỎA VƯỢNG
Thường gặp ở các chứng hậu Tâm âm hư, Tâm Thận bất giao.
Chứng trạng:
- Mất ngủ, không ngủ, hay mê, phiền táo, hồi hộp, lo lắng, hay quên.
- Lòng bàn tay chân nóng, sốt về chiều, đạo hãn, miệng ráo, họng khô.
- Đại tiện táo kết, nước tiểu sẫm màu, tiểu tiện ngắn.
- Lưỡi đỏ, ít rêu, mạch Tế Sác.
- Nếu Tâm Thận bất giao thì kiêm chứng ù tai, hoa mắt, chóng mặt, lưng gối mỏi yếu, liệt dương, di tinh, mộng tinh.
Phép trị:
- Tâm âm hư: Bổ ích Tâm âm, dưỡng Tâm an thần.
- Tâm Thận bất giao: Tư Thận tráng thủy, giáng Tâm hỏa, giao thông Tâm Thận.
Phương dược:
- Tâm âm hư: Thiên vương bổ tâm đơn (Thế y đắc hiệu phương)
- Tâm Thận bất giao:
o Giao thái hoàn (Nghiệm phương)
o Lục vị địa hoàng hoàn gia Hoàng liên, Nhục quế.
Very superb information can be found on website.Leadership