Nhóm thuốc giãn cơ theo từng vị trí trên cơ thể được sử dụng nhiều nhất hiện nay

Nhóm thuốc giãn cơ theo từng vị trí trên cơ thể được sử dụng nhiều nhất hiện nay

Thuốc giãn cơ là gì?

Nhóm thuốc giãn cơ gồm đa dạng nhiều thuốc, có khả năng thư giãn hoặc giảm căng cơ. Thuốc thường được sử dụng để điều trị đau cơ cấp tính và khó chịu do co thắt cơ – là những cơn co thắt không tự chủ, gây căng cơ quá mức và thường liên quan đến các tình trạng như đau lưng dưới và đau cổ.

Các nhóm thuốc giãn cơ được sử dụng trên thị trường hiện nay có thể khác nhau về cấu trúc hóa học và cơ chế tác dụng. Nhưng nhìn chung chúng đều ức chế hệ thần kinh trung ương, gây an thần hoặc ngăn các dây thần kinh gửi tín hiệu đau đến não. Tác dụng bắt đầu nhanh chóng và thường kéo dài từ 4-6 giờ.

Một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc giãn cơ bao gồm:

  • Buồn ngủ
  • Chóng mặt
  • Kích động
  • Cáu gắt
  • Đau đầu
  • Lo lắng
  • Khô miệng
  • Giảm huyết áp

Ngoài ra, khi lạm dụng hoặc sử dụng kéo dài nhóm thuốc giãn cơ có thể dẫn đến phụ thuộc vào thuốc và gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng khác như sững sờ, ảo giác, co giật, sốc, suy hô hấp, tim ngừng đập, hôn mê… Vì lý do này, thuốc giãn cơ chỉ được dùng như một phương pháp điều trị ngắn hạn trong hơn 2-3 tuần.

Các nhóm thuốc giãn cơ thường dùng theo từng vị trí trên cơ thể 

  1. Thuốc giãn cơ trơn

Cơ trơn cấu tạo nên hệ cơ nội quan như ống tiêu hoá (thực quản, dạ dày, ruột), phế quản, tiểu phế quản, bàng quang, niệu quản, niệu đạo, tử cung, thành mạch máu, cơ mống mắt, cơ mi, cơ dựng lông, các ống dẫn của các tuyến. Sự co thắt của cơ trơn nằm ngoài ý muốn của con người, có nghĩa là chúng ta không điều khiển được sự hoạt động của chúng.

Nhóm thuốc giãn cơ trơn có tác dụng làm giãn các cơ trơn, làm giảm cường độ và nhịp độ co bóp của cơ trơn, từ đó hỗ trợ giảm đau. Nhóm thuốc này được sử dụng nhiều trong điều trị những cơn đau do co thắt đường tiêu hóa, đường mật, tiết niệu và đường sinh dục.

Khi sử dụng cần đặc biệt lưu ý vì thuốc có thể làm mờ triệu chứng của bệnh nặng hoặc xuất hiện những phản ứng không mong muốn trên cơ thể.

Nhóm thuốc giãn cơ trơn có một số thuốc được sử dụng phổ biến hiện nay như:

Hyoscine butylbromide

  • Tác dụng:Chống co thắt trên cơ trơn dạ dày ruột, mật, đường niệu – sinh dục… trong các bệnh lý như: hội chứng ruột kích thích, loét dạ dày – tá tràng, viêm túi mật, viêm đường dẫn mật, viêm tụy, đau bụng kinh, viêm bể thận, viêm bàng quang, sỏi thận…
  • Dạng bào chế:Dung dịch tiêm truyền 20mg/ml được tiêm bắp, hoặc tiêm truyền tĩnh mạch (pha loãng với dung môi NaCl 0.9% hoặc Glucose 5% nếu cần). Ngoài ra, thuốc còn có dạng viên nén 10mg dùng để uống.
  • Liều dùng: Đối với dạng viên nén dùng để uống, người lớn dùng 1 – 2 viên/ lần, có thể sử dụng 4 lần/ngày, trẻ em > 6 tuổi dùng 1 viên/ lần, có thể sử dụng đến 3 lần/ngày. Đối với đường tiêm truyền cho người lớn thường dùng 20 mg/ lần, có thể lặp lại mỗi 30 phút nếu cần. Liều dùng tối đa không quá 100 mg hyoscine butylbromide/ngày.
  • Tác dụng phụ:Khô miệng, rối loạn bài tiết mồ hôi, tim đập nhanh, bí tiểu nhẹ.
  • Chống chỉ định:Không dùng thuốc dạng uống cho bệnh nhân bị tăng nhãn áp góc đóng, tắc ruột hay tắc nghẽn đường tiểu và rối loạn nhịp tim nhanh. Không dùng thuốc ở dạng tiêm trong những trường hợp rối loạn tăng nhãn áp, phì đại tuyến tiền liệt kèm bí tiểu, hẹp cơ học đường tiêu hóa, nhịp tim nhanh, nhược cơ.

Atropin

  • Tác dụng: Chỉ định trong loét dạ dày – tá tràng, hội chứng ruột kích thích, tiêu chảy cấphoặc mạn tính do tăng nhu động ruột, cơn đau co thắt đường mật, đau quặn thận… Bên cạnh đó, atropin còn được dùng để điều trị ngộ độc phospho hữu cơ, điều trị nhịp tim chậm do ngộ độc digitalis, cơn co thắt phế quản, phòng say tàu xe… Atropin dạng dung dịch nhỏ mắt để điều trị chứng giãn đồng tử hay trong trường hợp mất khả năng điều tiết của mắt…
  • Tác phụ phụ:Khô miệng, khó nuốt, khó phát âm, khát, sốt, giảm tiết dịch ở phế quản. Đối với trường hợp phì đại tuyến tiền liệt có thể gây bí tiểu, liệt ruột, hẹp môn vị, nhược cơ, làm tăng nhãn áp…. Đối với hệ tim mạch, thuốc gây hiện tượng chậm nhịp tim thoáng qua, sau đó là nhịp tim nhanh, đánh trống ngực và loạn nhịp. Với hệ thần kinh nên có thể gây lú lẫn, hoang tưởng và dễ bị kích thích… Trẻ em và người cao tuổi rất dễ gặp các tác dụng phụ không mong muốn này.

Papaverin

  • Tác dụng:Giảm đau, chống co thắt do tăng nhu động ruột – dạ dày (trong viêm đại tràng, dạ dày, viêm ruột), do co thắt tử cung (trong thống kinh) do quặn thận, mật (trong viêm thận, túi mật)… Papaverin còn chống cơn co thắt mạch máu não, ngoại vi, làm giãn cơ tim nên trước đây, thuốc từng được dùng trong bệnh thiếu máu não, thiếu máu cơ tim, co thắt phế quản do hen, cơn đau thắt ngực.
  • Tác dụng phụ:Mặc dù độc tính của papaverin thấp, nhưng trên thực tế đã có những trường hợp dùng thuốc bị tác dụng phụ về tiêu hóa như buồn nôn, táo bón, chán ăn, tiêu chảy, gây viêm gan và quá mẫn gan, chóng mặt, ngủ gà, an thần, ngủ lịm, nhức đầu….
  • Chống chỉ định:Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi muốn dùng loại thuốc này. Dùng papaverin một cách thận trọng ở người bị bệnh tăng nhãn áp. Không dùng thuốc trong thời gian dài vì có thể dẫn đến phụ thuộc vào thuốc. Cần ngừng dùng papaverin khi có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, vàng da hoặc khi kết quả xét nghiệm cho thấy chức năng gan bị biến đổi.

Alverin

  • Tác dụng:Điều trị đau do rối loạn chức năng đường tiêu hóa và đường mật, đau hay co thắt vùng tiết niệu – sinh dục (đau bụng kinh, đau khi sinh, đau quặn thận và đau đường niệu, dọa sẩy thai, sinh khó). Alverin có thể sử dụng trong trường hợp tăng nhãn áp hoặc phì đại tuyến tiền liệt.
  • Tác dụng phụ:Khiến một số người bệnh mệt mỏi, khó thở, thở khò khè, các bộ phận trên cơ thể bị sưng phù, có biểu hiện phản ứng dị ứng nghiêm trọng, vàng da và mắt. Một số trường hợp dị ứng thuốc nặng có thể xuất hiện các phản ứng dị ứng như: nổi phát ban, mề đay, buồn nôn… Lúc này, bạn nên dừng ngay việc sử dụng thuốc và đến gặp bác sĩ để được thăm khám, tư vấn tìm ra phương pháp điều trị bệnh phù hợp hơn.
  • Chống chỉ định:Người bị dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc, phụ nữ đang cho con bú và trẻ em dưới 12 tuổi, bệnh nhân bị tắc ruột hoặc liệt ruột, huyết áp thấp.
  1. Nhóm thuốc giãn cơ vân ở não và cột sống

Cơ vân là những cơ mà chúng ta có thể điều khiến được theo ý thức. Nhóm thuốc giãn cơ vân ở cổ sẽ ức chế chọn lọc trên các neurone trung gian để hỗ trợ kiểm soát trương lực cơ ở não và tủy sống, gây giãn cơ.

Có nhiều loại trong nhóm thuốc giãn cơ vân này, bao gồm cả dạng viên nén hoặc dạng tiêm. Cụ thể như sau:

Tolperisone

  • Tác dụng:Thuốc được chỉ định trong các trường hợp tăng trương lực cơ, co thắt cơ ở hội chứng đau đầu, bệnh khớp lớn, viêm não tủy, phục hồi chứng năng các phẫu thuật chấn thương chỉnh hình…
  • Dạng bào chế:Dạng tiêm 1ml-100mg Tolperisone, dạng viên bao 50mg tolperisone, 100mg tolperisone.
  • Tác dụng phụ:Nhược cơ, hạ huyết áp, nhức đầu, buồn nôn…Các triệu chứng này thường biến mất sau khi giảm liều.

Thuốc giãn cơ vân Eperisone

  • Tác dụng:Eperisone gây giãn cơ vân.
  • Liều dùng:Viên nén 50mg với liều sử dụng 3 viên/ngày/3 lần sau ăn.
  • Tác dụng phụ:Một số tác dụng phụ của thuốc có thể gặp phải do dùng quá liều hay dùng trong thời gian dài thường là: rối loạn chức năng gan, phát ban, triệu chứng tâm thần, buồn ngủ, nhức đầu, buồn nôn, chán ăn, khô miệng, tiêu chảy, táo bón, rối loạn tiêu hóa, rối loạn tiết niệu.

Mephenesine

  • Tác dụng:Chỉ định trong các trường hợp co thắt cơ gây đau thoái hóa đốt sống, rối loạn tư thế vận động…
  • Chống chỉ định:Trẻ em dưới 15 tuổi, phụ nữ có thai và đang cho con bú. Người có tiền sử bị bệnh đường hô hấp, dị ứng cần thận trọng khi dùng.
  • Dạng bào chế:viên nén 250mg và 500mg.
  • Liều dùng:0,5 – 1 g/lần × 3 lần/ngày.
  • Tác dụng phụ: Thường gặp: mệt mỏi, buồn ngủ, uể oải, khó thở, yếu cơ, mất điều hòa vận động. Ít gặp: đau khớp, đau người, buồn nôn, bực tức, tiêu chảy, táo bón, nổi mẩn. Hiếm gặp: Phản ứng quá mẫn, sốc phản vệ, ngủ gà, phát ban.

Chú ý: Thuốc có thể gây buồn ngủ và làm giảm khả năng phối hợp các động tác, vì vậy, cần thận trọng khi lái xe và điều khiển máy móc.

  1. Nhóm thuốc giãn cơ lưng

Căng cơ thắt lưng phổ biến nhất ở những người bị chấn thương thắt lưng. Tình trạng này xảy ra khi gân hoặc cơ ở thắt lưng bị kéo căng hoặc rách, thường là các cơ bắp và dây chằng ở lưng giữ xương cột sống. Khi các cơ này bị căng ra quá mức dẫn đến suy yếu dần, cột sống trở nên kém ổn định và gây tình trạng đau lưng. Để giải quyết tình trạng đau lưng do căng cơ, nhiều người lựa chọn nhóm thuốc giãn cơ lưng.

Dưới đây là một số loại thuốc giãn cơ lưng được sử dụng phổ biến, mang đến hiệu quả cao trên thị trường hiện nay:

Thuốc giãn cơ Mephenesin

Thuốc phát huy tác dụng trên toàn bộ hệ thần kinh, được sử dụng trong điều trị các bệnh về thoái hóa đốt sống, giảm các cơn đau do co thắt cơ, đau cơ, đau lưng

Thuốc giãn cơ lưng Baclofen

Baclofen được sử dụng trong các trường hợp xơ cứng rải rác, tổn thương tủy sống, đau lưng, co thắt cơ…

  • Tác dụng: Ngăn chặn các hoạt động thần kinh diễn ra trong tủy sống giúp giảm đau, đồng thời làm giảm các tình trạng cứng khớp, giảm biên độ và tần số co cơ. Bên cạnh đó, thuốc có tác dụng ức chế thần kinh và phong bế các dây thần kinh từ đó làm giảm đau nhanh chóng.
  • Liều dùng: Với người lớn, liều khởi động sử dụng 5mg/lần và dùng 3 lần/ngày, có thể tăng 5mg cho mỗi lần sử dụng, thời gian mỗi lần tăng cách nhau 3 ngày. Liều tối đa khuyến cáo là 20mg/lần. Với trẻ em, thuốc chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Tác dụng phụ: Buồn nôn, chóng mặt, mất ngủ, mệt mỏi…
  • Chống chỉ định: Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú không nên sử dụng Baclofen. Người có tiền sử bị suy gan, suy thận, suy đường hô hấp, đang sử dụng thuốc hạ huyết áp, người lớn tuổi… cần thận trọng khi dùng thuốc.

Thuốc giãn cơ Tizanidine

Tizanidine giúp thư giãn cơ bắp. Vì vậy, thuốc được sử dụng điều trị trong các trường hợp bị co cơ, cứng cơ do chấn thương hoặc đa xơ cứng.

  • Tác dụng:Giảm co cơ mà không gây yếu cơ, giảm đau nhức và xơ cứng cơ.
  • Liều dùng:Liều khởi động 2mg/lần và dùng 3 lần/ngày, sau đó tăng dần 2mg/lần với thời gian tăng mỗi đợt từ 3 – 4 ngày. Liều tối đa khuyến cáo là 36mg/ngày. Với người đau nhức sử dụng 2 – 4 mg/lần, 3 lần/ngày.
  • Tác dụng phụ:Ảo giác, lú lẫn, buồn nôn, chán ăn, sốt nhẹ, ngứa…
  • Chống chỉ định:Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú và trẻ em không nên sử dụng thuốc. Người cao tuổi, bệnh nhân suy thận, người có bệnh về tim mạch cũng cần thận trọng khi dùng thuốc.

Thuốc giãn cơ Chlorzoxazone

Chlorzoxazone có tác dụng trong điều trị các bệnh về cơ thắt cơ và đau cơ nhờ làm giãn cơ bắp giống như nhóm thuốc giãn cơ chung.

  • Tác dụng:Giảm đau cơ, đau lưng tức thì.
  • Liều dùng:Liều dùng cho người lớn là từ 250 – 750mg/lần, 3 lần/ngày, có thể giảm liều khi tình trạng đau nhức cải thiện. Liều dùng cho trẻ em từ 125 – 500mg/lần, 3 lần/ngày.
  • Tác dụng phụ:Mệt mỏi, buồn ngủ, buồn nôn, đau bụng, dị ứng…
  • Chống chỉ định:Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người già, người có bệnh suy thận, suy tim, tiền sử dị ứng thuốc cần thận trọng khi dùng.

Thuốc giãn cơ Carisoprodol

Carisoprodol thường được sử dụng trong điều trị ngắn hạn các bệnh về đau cơ.

  • Tác dụng:Thuốc làm giảm các triệu chứng liên quan đến vấn đề đau đớn cơ xương khớp
  • Liều dùng:Uống 250 – 350mg/lần, 3 lần/ngày.
  • Tác dụng phụ:Thuốc gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như tê liệt, mê sảng, tim đập nhanh, giảm thị lực…
  • Chống chỉ định:Những người bị động kinh, co giật, bệnh nhân suy thận, suy gan cần thận trọng khi dùng thuốc. Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, trẻ nhỏ dưới 12 tuổi không nên dùng thuốc.

Lưu ý khi sử dụng nhóm thuốc giãn cơ

Đau nhức lưng, xơ cứng cơ là bệnh lý thường gặp, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người bệnh và rất dễ tái phát.

Để đẩy lùi những cơn đau, giảm cảm giác khó chịu, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng nhóm thuốc giãn cơ, người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc dưới đây:

  • Không làm việc quá sức, mang vác quá nặng.
  • Không sử dụng rượu bia, chất kích thích bởi có thể làm giảm tác dụng thuốc giãn cơ và tăng nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ.
  • Khuyến cáo không lái xe hoặc vận hành máy móc nặng khi đang chịu tác động của thuốc giãn cơ. Điều đặc biệt quan trọng là tránh uống rượu, vì kết hợp thuốc giãn cơ với rượu sẽ làm tăng nguy cơ tai nạn.
  • Ngồi đúng tư thế và không cố định một tư thế trong thời gian quá lâu.
  • Kết hợp chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi và thói quen sống lành mạnh, tránh để cơ thể căng thẳng. Nên bổ sung một số thực phẩm chứa nhiều axit béo, omega – 3, các loại hạt, rau củ quả tươi sạch…
  • Nhiều chuyên gia khuyến cáo rằng nhóm thuốc giãn cơ chỉ nên sử dụng cho người trưởng thành và không mắc một số bệnh về tim mạch, thận, gan, dị ứng… Trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên nên hạn chế dùng thuốc bởi có thể gây tác động xấu lên quá trình phát triển, hoàn thiện cơ và xương.
  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú cũng không nên dùng thuốc do thuốc có thể ảnh hưởng xấu đến bé. Trong trường hợp bắt buộc dùng thuốc cần có sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định dùng thuốc và phác đồ điều trị của bác sĩ để quá trình điều trị đạt hiệu quả tối đa.
  • Trong trường hợp thấy xuất hiện các tác dụng phụ nên dừng thuốc và thăm khám càng sớm càng tốt. Tương tự như vậy, nếu việc dùng thuốc không mang đến hiệu quả như mong muốn cũng cần liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ.

Hy vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nhóm thuốc giãn cơ, cũng như có các sử dụng phù hợp, nhằm mang đến hiệu quả điều trị bệnh như mong muốn.

……………………
🩺Bạn muốn học y học cổ truyền???
💉Bạn không có nhiều thời gian???
💊Liên hệ ngay – Để có giải pháp phù hợp!!!
…………………..
PHÒNG TUYỂN SINH TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y DƯỢC TUỆ TĨNH HÀ NỘI
📒 Địa chỉ: Số 278 Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội
📞 Điện thoại: 0869 266 199 – 0988 440 113

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *