THOÁI HÓA KHỚP GỐI (HẠC TẤT PHONG)

I. ĐẠI CƯƠNG

Thoái hóa khớp gối là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và hủy hoại sụn, xương dưới sụn. Sự mất cân bằng này có thể được bắt đầu bởi nhiều yếu tố: di truyền, phát triển, chuyển hóa và chấn thương, biểu hiện cuối cùng của thoái hóa khớp là thay đổi hình thái, sinh hóa, phân tử, cơ sinh học của tế bào và chất căn bản của sụn dẫn đến nhuyễn hóa, nứt loét, mất sụn khớp, xơ hóa xương dưới sụn, gai xương và hốc xương dưới sụn. Bệnh thường gặp ở nữ giới, chiếm 80% các trường hợp thoái hóa khớp gối.

Theo Y học hiện đại (YHHĐ), nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối được chia làm hai loại: Thoái hóa khớp nguyên phát và thứ phát.

– Chẩn đoán xác định theo tiêu chuẩn chẩn đoán của Hội thấp khớp học Mỹ-ACR (American College of Rheumatology), 1991.

+ Có gai xương ở rìa khớp (trên Xquang).

+ Dịch khớp là dịch thoái hóa.

+ Tuổi trên 38.

+ Cứng khớp dưới 30 phút.

+ Có dấu hiệu lục cục khi cử động khớp.

Chẩn đoán xác định khi có yếu tố 1,2,3,4 hoặc 1,2,5 hoặc 1,4,5.

– Các dấu hiệu khác: tràn dịch và biến dạng khớp.

– Các phương pháp thăm dò chẩn đoán hình ảnh: Xquang, siêu âm khớp, chụp cộng hưởng từ, nội soi khớp.

Theo Y học cổ truyền (YHCT), thoái hóa khớp gối không có bệnh danh riêng. Tuy nhiên, hầu hết người bệnh đến khám và điều trị thoái hóa khớp gối thường có triệu chứng đau, hạn chế vận động và khớp gối sưng hoặc biến dạng, nên thoái hóa khớp gối được quy vào chứng Tý, bệnh danh là Hạc tất phong.

II. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

– Phong hàn thấp hoặc phong thấp nhiệt tà thừa lúc chính khí hư tổn, vệ ngoại bất cố xâm phạm vào cơ biểu kinh lạc làm sự vận hành của khí huyết tại khớp gây đau, co duỗi khó khăn.

– Công năng của tạng can và thận bị hư tổn do bệnh lâu ngày làm tà khí bám vào gân xương hoặc do tuổi cao, chức năng của can thận suy giảm gây đau, co duỗi khó khăn, biến dạng các khớp và tái phát nhiều lần.

III. CÁC THỂ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN

  1. Thể phong hàn thấp tý

1.1. Triệu chứng: Sau khi nhiễm ngoại tà (phong, hàn, thấp) xuất hiện đau, sưng nề, không nóng đỏ, hạn chế vận động khớp gối một hoặc hai bên, trời lạnh ẩm đau tăng, chườm ấm đỡ đau, kèm sợ lạnh, sợ gió, không sốt, rêu lưỡi trắng nhớt. Mạch phù hoãn.

1.2. Chẩn đoán

– Chẩn đoán bát cương: Biểu, thực, hàn.

– Chẩn đoán kinh lạc: Bệnh tại khớp, cân, cơ, kinh lạc.

– Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (phong, hàn, thấp).

1.3. Pháp: Trừ thấp, khu phong, tán hàn, chỉ thống.

1.4. Phương

1.4.1. Điều trị bằng thuốc

– Cổ phương:

+ Nếu thấp thắng: Ý dĩ nhân thang

Ý dĩ 30g Bạch truật 08g
Bạch thược 08g Đương qui 12g
Quế chi 10g Ma hoàng 06g
Cam thảo 04g Sinh khương 06g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần khi thuốc còn ấm.

+ Nếu hàn tà thắng: Ô đầu thang:

Hắc phụ tử 08g Ma hoàng 08g
Bạch thược 12g Hoàng kỳ 20g
Cam thảo 04g Mật ong 80g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần uống ấm.

1.4.2. Điều trị không dùng thuốc

– Châm tả và cứu các huyệt:

+ Tại chỗ:

A thị huyệt Độc tỵ
Dương lăng tuyền Lương khâu
Tất nhãn Âm lăng tuyền
Huyết hải Ủy trung

+ Toàn thân:

Phong long  Túc tam lý

Lưu kim 20 – 30 phút/lần/ngày, từ 10 đến 15 ngày/liệu trình.

– Các kỹ thuật châm: Điện châm

Lưu kim 20 – 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

– Xoa bóp bấm huyệt: Thực hiện các thủ thuật xoa, xát, miết, bóp, vờn, vận động. Day, ấn các huyệt như trong công thức huyệt điện châm. Mỗi lần xoa bóp bấm huyệt 30 phút/lần/ngày, từ 10 đến 15 ngày/liệu trình.

– Thủy châm: Sử dụng vitamin nhóm B thủy châm vào huyệt.

– Laser châm: Công thức huyệt như trong công thức huyệt điện châm. Thời gian 15-30 phút/lần/ngày cho một lần laser châm. Một liệu trình từ 10 đến 15 lần, có thể nhiều liệu trình.

  1. Thể phong hàn thấp tý kèm can thận hư

2.1. Triệu chứng: Người bệnh đau mỏi khớp gối, vận động co duỗi khó khăn, có thể biến dạng khớp. Sau khi nhiễm thêm ngoại tà (phong, hàn, thấp) xuất hiện đau tăng lên, khớp gối sưng nề, không nóng đỏ, hạn chế vận động khớp gối một hoặc hai bên, kèm đau mỏi lưng gối, ù tai, ngủ kém, rêu lưỡi trắng nhớt. Mạch trầm hoãn.

2.2. Chẩn đoán

– Chẩn đoán bát cương: Biểu lý tương kiêm, hư trung hiệp thực, hàn.

– Chẩn đoán tạng phủ/kinh lạc: Can thận hư/Bệnh tại khớp, cân, cơ, kinh lạc.

– Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (phong, hàn, thấp), bất nội ngoại nhân (nội thương).

2.3. Pháp: Trừ thấp, khu phong, tán hàn, chỉ thống, bổ can thận.

2.4. Phương

2.4.1. Điều trị bằng thuốc

– Cổ phương: Độc hoạt ký sinh thang

Độc hoạt 10g Tang ký sinh 16g
Phòng phong 12g Tần giao 12g
Đương qui 12g Quế tâm 04g
Tế tân 06g Phục linh 12g
Xuyên khung 08g Xích thược 12g
Cam thảo 06g Thục địa 12g
Ngưu tất 12g Đỗ trọng 12g
Đảng sâm 12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

+ Hoặc dùng bài Tam tý thang: Là bài Độc hoạt ký sinh thang gia thêm Hoàng kỳ, Tục đoạn.

2.4.2. Điều trị không dùng thuốc

– Châm kết hợp với cứu.

+ Châm tả và cứu các huyệt tại chỗ: như thể phong hàn thấp tý.

+ Châm bổ:

Thận du Can du
Tam âm giao Thái khê
Thái xung Quan nguyên

Lưu kim 20 – 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

– Xoa bóp bấm huyệt, thủy châm: như thể phong hàn thấp tý.

  1. Thể phong thấp nhiệt kèm can thận hư

3.1. Triệu chứng: Người bệnh đau mỏi khớp gối từ lâu, vận động co duỗi khó khăn, có thể có biến dạng khớp. Đợt này xuất hiện sưng, đau, nóng hoặc đỏ, một hoặc khớp gối hai bên, đau cự án. Thường kèm theo phát sốt, sợ gió, miệng khô khát, phiền táo bứt rứt không yên. Tiểu vàng lượng ít, lưỡi đỏ, rêu vàng bẩn. Mạch hoạt sác.

3.2. Chẩn đoán

– Chẩn đoán bát cương: Biểu lý tương kiêm, hư trung hiệp thực, nhiệt.

– Chẩn đoán tạng phủ/kinh lạc: Can thận hư/bệnh tại khớp, cân, cơ, kinh lạc.

– Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương), ngoại nhân (phong, thấp, nhiệt).

3.3. Pháp: Thanh nhiệt, khu phong, trừ thấp, chỉ thống, bổ can thận.

3.4. Phương

3.4.1. Điều trị bằng thuốc

– Cổ phương:

+ Dùng bài Ý dĩ nhân thang hợp với Nhị diệu tán

Ý dĩ nhân 12g Quế chi 06g
Cam thảo 06g Thược dược 06g
Ma hoàng 06g Hoàng bá 12g
Bạch truật 12g Thương truật 12g
Đương qui 12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

+ Hoặc dùng bài Bạch hổ quế chi thang

Sinh thạch cao 30g Ngạnh mễ 10g
Tri mẫu 10g Cam thảo 06g
Quế chi 04g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

3.4.2. Điều trị không dùng thuốc

– Châm: Như thể phong hàn thấp tý kèm can thận hư. Châm tả thêm huyệt Đại chùy (GV.14), Nội đình (ST.44).

– Điện nhĩ châm, điện mãng châm: Như thể phong hàn thấp tý kèm can thận hư.

– Sau khi khớp hết nóng, đỏ thì áp dụng phác đồ xoa bóp bấm huyệt, thủy châm, cấy chỉ như thể phong hàn thấp tý kèm can thận hư.

III. KẾT HỢP ĐIỀU TRỊ Y HỌC HIỆN ĐẠI

4.1. Nguyên tắc điều trị

– Giảm đau, phục hồi chức năng vận động của khớp.

– Tránh tác dụng không mong muốn của thuốc, nâng cao chất lượng cuộc sống.

4.2. Điều trị cụ thể

4.2.1. Điều trị bằng thuốc

4.2.1.1. Điều trị triệu chứng tác dụng nhanh

Tùy từng trường hợp bệnh, có thể chọn trong các nhóm thuốc sau:

– Thuốc giảm đau: chọn một trong các thuốc theo bậc thang giảm đau của Tổ chức Y tế Thế giới. Tùy theo tình trạng đau mà điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp.

– Chống viêm không steroid (NSAIDs): Chống viêm không steroid (NSAIDs): Diclofenac 75mg/3ml  tiêp bắp  hoặc Meloxicam 7.5 mg uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên sau ăn

– Thuốc bôi ngoài da: Bôi tại khớp đau 2-3 lần/ngày.

4.2.1.2. Điều trị triệu chứng tác dụng chậm

– Glucosamin 500mg x 03 viên/ngày, chia 3 lần

4.2.2. Điều trị không dùng thuốc

– Kết hợp các phương pháp phục hồi chức năng: Theo Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng của Bộ Y tế và các hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng khác do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

– Vật lý trị liệu: Laser công suất thấp, siêu âm trị liệu, điện xung.

– Có chế độ vận động thể dục thể thao hợp lý, bảo vệ khớp tránh quá tải. Phát hiện điều trị chỉnh hình sớm các dị tật khớp (lệch trục khớp, khớp gối vẹo trong, vẹo ngoài…).

4.2.3. Điều trị ngoại khoa

– Nội soi khớp nhằm sửa chữa tổn thương, cấy ghép tế bào sụn, rửa khớp và làm sạch khớp.

– Phẫu thuật thay khớp nếu điều trị nội khoa và bảo tồn không có hiệu quả, người bệnh đau nhiều và mất chức năng vận động nhiều. Thường được áp dụng ở người bệnh trên 60 tuổi. Thay khớp gối một phần hay toàn bộ khớp.

  1. PHÒNG BỆNH

– Thực hiện chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý.

– Thực hiện tốt chế độ ăn, tránh để tăng cân béo phì. Giảm cân nếu quá cân.

– Tránh các chấn thương giúp làm chậm quá trình xuất hiện thoái hóa khớp.

– Nên tập vận động khớp gối không trọng lượng: đạp xe đạp, bơi….

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Quyết định số 5031/QĐ-BYT ngày 01/12/2020 của Bộ Y tế “Quyết định ban hành tài liệu hướng dẫn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh theo y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại.
……………………
🩺Bạn muốn học y học cổ truyền???
💉Bạn không có nhiều thời gian???
💊Liên hệ ngay – Để có giải pháp phù hợp!!!
…………………..
PHÒNG TUYỂN SINH TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y DƯỢC TUỆ TĨNH HÀ NỘI
📒 Địa chỉ: Số 278 Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội
📞 Điện thoại: 0869 266 199 – 0988 440 113

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *